Páginas

1 2 3 4

Khám phá vẻ đẹp Cô Tô: Ngọc trong đá

Khám phá vẻ đẹp Cô Tô: Ngọc trong đá

Huyện đảo Cô Tô gồm có thị trấn Cô Tô, hai xã Thanh Lân, Đồng Tiến, với ba đảo lớn nhất là Cô Tô, Thanh Lân và đảo Trần. Trong đó, đảo Cô Tô là một trong những quần đảo xa nhất ở phía đông bắc Việt Nam vẫn còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ.

Để tham quan đảo Cô Tô, bạn có thể đi xe đến Vân Đồn rồi theo tàu khởi hành đi Cô Tô vào lúc sáng sớm. Điểm dừng chân đầu tiên trong cuộc hành trình khám phá Cô Tô là cảng Cái Rồng thuộc huyện đảo Vân Đồn. Đây được coi là cửa ngõ biển quan trọng nối liền các đảo như Quan Lạn, Trà Cổ, Cô Tô với huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh cũng như Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình.

Đảo Cô Tô nhìn từ xa
Đảo Cô Tô nhìn từ xa

Cảng Cái Rồng hay còn gọi là cảng Vân Đồn chính là thương cảng cổ nhất của Đại Việt xưa. Tương truyền năm 1149, vua Lý Anh Tông khi đó mới 18 tuổi đi kinh lý qua đây và nhìn thấy tiềm năng thông thương của cảng Vân Đồn, nên đã cho lập ấp thương cảng Vân Đồn là nơi giao thương giữa Đại Việt với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản. Đây cũng là địa danh mà khi xưa danh tướng Trần Khánh Dư đã cũng quân dân Đại Việt đánh tan đoàn thuyền chở lương thực của tướng Trương Văn Hổ, góp phần vào đại thắng Bạch Đằng năm 1228. Thương cảng Vân Đồn đã phát triển thịnh vượng trong suốt 3 triều đại Lý, Trần, Lê và chỉ thực sự suy yếu vào thời nhà Mạc.

Bãi tắm ở Cô Tô
Bãi tắm ở Cô Tô

Từ bến thuyền tại cảng Cái Rồng tới đảo Cô Tô mất khoảng 1giờ 30 phút, bạn sẽ được dạo quanh hàng trăm đảo đá vôi trong vịnh Bái Tử Long. Thấp thoáng từ xa là bạn đã thấy những dãy núi nhấp nhô ẩn hiện phía cuối chân trời. Cô Tô là tên gọi của hai hòn đảo là Cô Tô lớn và Cô Tô con, mà cũng là tên chung của huyện đảo gồm 40 hòn đảo lớn nhỏ nằm gần phao số 0 hải phận quốc tế và cách thành phố Hạ Long chừng 150 km.

Ngọn hải đăng trên đảo Cô Tô
Ngọn hải đăng trên đảo Cô Tô

Bãi biển ở Cô Tô trong veo, yên tĩnh với những bờ cát trắng vươn dài. Nếu bạn thích khám phá thì những rặn san hô lung linh dưới làn nước trong vắt sẽ là một thú vị bất ngờ dành cho bạn. Một điểm thú vị nữa khi đến Cô Tô là tham quan ngọn hải đăng. Từ trên đỉnh hải đăng cách trung tâm huyện Cô Tô khoảng 5 km, bạn có thể nhìn thấy toàn bộ khu vực đảo, bốn phía là biển xanh, gần là núi, xa là đảo, xa hơn nữa là phía đất liền với những dãy núi uốn lượn.

Cô Tô chưa được khai thác để phục vụ du lịch nên vẫn còn giữ được những nét hoang sơ vốn có. Dạo bước trên những bờ biển dài ngắm nhìn hoàng hôn ở phía cầu cảng bạn sẽ thấy thêm yêu vùng biển thanh bình này.

Thanh Nguyên (Tổng hợp)

Chi tiết

Hệ thống đảo tại vịnh Hạ Long: Đảo Đầu Bê và Ngọc Vừng

Hệ thống đảo tại vịnh Hạ Long: Đảo Đầu Bê và Ngọc Vừng

Vịnh Hạ Long có diện tích 1.553 km2, gồm 1.969 hòn đảo, mỗi đảo mang những nét đặc sắc riêng. Hãy một lần du ngoạn trên biển và thăm thú các đảo, bạn sẽ khám phá được nhiều điều thú vị...
Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới
Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới
Đảo Đầu Bê

Nằm ở phía đông nam vịnh Hạ Long, đảo Đầu Bê cách đảo Hang Trai 500 m về phía đông, cách cảng tàu du lịch Bãi Cháy khoảng 28 km, trong một quần đảo nằm ở tuyến ngoài vịnh Hạ Long (cửa biển vịnh Lan Hạ), đứng giữa hai đảo là hòn Trà Ngư và hòn Đá Lẻ.

Đảo có diện tích 22.863 m2 với đỉnh cao nhất 139 m, vách đảo dựng đứng như bức tường thành chắn những con sóng lớn từ phía đông đổ vào vịnh. Những núi đảo được thiên nhiên mài gọt tạo nên nhiều cảnh đẹp kỳ thú.

Nhắc đến đảo Đầu Bê không thể không nói đến hồ Ba Hầm vì đây là một điểm tham quan du lịch nổi tiếng đã được nhiều người biết đến từ xưa.

Đảo Ngọc Vừng

Đảo Ngọc Vừng (ngọc phát sáng) hay còn gọi là đảo Ngọc. Hòn đảo xinh đẹp này nằm giữa hai đảo đá nhỏ là Hòn Nét và đảo Phượng Hoàng thuộc huyện Vân Đồn. Trên cao nhìn xuống, đảo Ngọc đẹp như một tấm khăn choàng nhung, có nhiều đường diềm sáng trắng như đang trôi nổi bồng bềnh trên mặt nước.

Phía đông của đảo có bãi cát dài tới hàng cây số, cát trắng tinh khiết trải dài ra tận bến. Từ mỏm Mắt Rồng có thể bao quát hết cả vùng đảo Cô Tô. Trung tâm đảo Ngọc có một cây si um tùm, dưới cây si này năm 1962, Hồ Chủ tịch đã ra thăm đảo và đứng ở đây nói chuyện cùng nhân dân.
Sở dĩ có tên là đảo Ngọc vì xưa kia, vùng đảo này có vô số các loài trai ngọc quý hiếm, đêm đêm ngọc phát sáng cả một vùng trời, vì vậy nơi đây còn có nhiều đảo mang tên Ngọc như Ngọc Vừng (ngọc phát sáng), Minh Châu (Ngọc Châu)...

Cũng tại bãi cát trắng mịn phía đông của đảo, năm 1937 lần đầu tiên những công cụ bằng đá thuộc thời kỳ Văn hóa Hạ Long, hậu kỳ đồ đá mới được phát hiện, mở đầu cho công cuộc khai quật, nghiên cứu khảo cổ tìm hiểu những bí mật về Hạ Long cổ đại. Trên đảo còn có di tích cổ là bến Cống Yên thuộc thương cảng cổ Vân Đồn.

Theo halong.com

Chi tiết

Hệ thống đảo tại vịnh Hạ Long: Đảo Cống Đỏ và Cống Tây Hệ thống đảo tại vịnh Hạ Long: Đảo Cống Đỏ và Cống Tây Đảo ở vịnh Hạ Long, dẫu to hay nhỏ, đ

Hệ thống đảo tại vịnh Hạ Long: Đảo Cống Đỏ và Cống Tây

Đảo ở vịnh Hạ Long, dẫu to hay nhỏ, đảo đất hay đảo đá, có cây hay không có cây, cao hay thấp, rộng hay hẹp... tất thảy như đang "nói" với bạn một điều gì đó bằng một ngôn ngữ riêng khiến mỗi người hiểu và cảm nhận theo cách của mình...
Hạ Long
Hạ Long
Đảo Cống Đỏ

Nằm ở phía đông nam vịnh Hạ Long, cách cảng tàu du lịch Bãi Cháy 25km, đảo Cống Đỏ nằm ở vịnh Bái Tử Long, trong khu vực Di sản thiên nhiên thế giới. Đảo có diện tích 23.363km2 với đỉnh núi cao 172m. Đây là một trong những hòn đảo đẹp, có nhiều trũng biển quanh co uốn khúc, tạo nên những hồ tự nhiên kỳ thú, là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật biển như tôm, cua, cá, mực, rong, tảo... Biển phía tây nam của đảo có rạn san hô rộng lớn với muôn ngàn sắc màu.

Hệ sinh thái rạn san hô ở đây dài tới hơn 700m, chiều ngang tới 300m với nhiều loài san hô quí hiếm như san hô đỏ, san hô sừng... Rạn san hô nơi đây được bảo tồn hầu như nguyên vẹn, có các loài cá cảnh, cá ngựa... cùng sinh sống quần tụ. Trong tương lai nơi đây sẽ phát triển thành khu du lịch sinh thái ngầm.

Phía đông nam đảo còn lưu dấu vết của di tích thương cảng cổ Vân Đồn xưa, tuy mờ nhạt nhưng điều đó khẳng định đảo Cống Đỏ xưa kia giữ vị trí quan trọng trong thương mại, buôn bán với nước ngoài.

Đảo Cống Tây

Đảo Cống Tây nằm ở vịnh Bái Tử Long trong tour du lịch đi đảo Ngọc Vừng, Quan Lạn, cách cảng tàu du lịch Bãi Cháy khoảng 40km. Tàu thường chạy từ Cẩm Phả khoảng 90 phút, tàu cao tốc khoảng 30 phút.

Đảo Cống Tây được ví như nàng Lọ Lem trong câu chuyện thần thoại. Tại đây, Công ty cảng và xây dựng than Cẩm Phả đã xây dựng thành khu du lịch đón khách đến tham quan và nghỉ cuối tuần. Một hệ thống nhà nghỉ, nhà ăn đủ tiện nghi nằm sát bãi biển. Từ nhà nghỉ tới bãi tắm là những con đường lát gạch đỏ au, chạy giữa những hàng dừa thẳng tắp. Đó đây, dưới các tán cây được mắc sẵn võng để du khách đến thư giãn, ngắm biển...

Theo halong.com

Chi tiết

Hệ thống đảo tại vịnh Hạ Long: Đảo Rều Đất và Thẻ Vàng

Hệ thống đảo tại vịnh Hạ Long: Đảo Rều Đất và Thẻ Vàng

Đảo Rều (Đảo Đất)

Đảo Rều là một hòn đảo nhỏ cách cảng tàu du lịch Bãi Cháy khoảng hơn 500m. Công ty du lịch quốc tế Hoàng Gia đang xây dựng thành khu vui chơi giải trí với nhiều loại hình dịch vụ. Hiện nay trên đảo nuôi rất nhiều loại chim thú, trong đó có nhiều loài quí hiếm. Đảo Rều đang hiện lên những công trình của một khu du lịch lịch hoàn chỉnh và hẫp dẫn.

Đảo Thẻ Vàng

Đây là khu du lịch sinh thái nằm ở khu vực Bái Tử Long thuộc Cẩm Phả, nằm trong tour du lịch Núi Bài Thơ - Hòn Ấm - hòn Đầu Mối - Hòn Đũa - Đảo Khỉ - Đảo Thẻ Vàng - Vân Đồn. Trên đảo đang xây dựng khu du lịch để đón khách nghỉ cuối tuần. Một bãi tắm nhân tạo cũng đã được hình thành. Trong tương lai sẽ xây dựng hệ thống nhà nghỉ để phục vụ du khách.

Theo halong.com

Chi tiết

Hệ thống đảo tại vịnh Hạ Long: Đảo Bồ Hòn và đảo Ba Mùn

Ai đã một lần đến với vùng biển Hạ Long, chắc sẽ không tránh khỏi ngỡ ngàng trước cảnh đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên. Thế nhưng, nếu đến Hạ Long mà bạn chỉ đứng trên bờ biển để nhìn ra khơi xa thì chưa đủ. Vì thế, bạn hãy một lần du ngoạn trên biển, len lỏi vào trong các hang động, đến sát từng thớ đá, lạch nước, lùm cây thì bạn mới có cơ hội khám phá những bí ẩn của chúng.

Vịnh Hạ Long
Vịnh Hạ Long
Đảo ở vịnh Hạ Long, dẫu to hay nhỏ, đảo đất hay đảo đá, có cây hay không có cây, cao hay thấp, rộng hay hẹp... tất cả như đang "nói" với bạn một điều gì đó bằng một ngôn ngữ riêng khiến mỗi người hiểu và cảm nhận theo cách của mình...
Đảo Bồ Hòn

Khi nói đến hệ thống đảo đẹp nổi tiếng ở vịnh Hạ Long, không thể không nói đến đảo Bồ Hòn, bởi đảo này không những có phong cảnh tuyệt đẹp mà còn là một trong những dãy đảo lớn nhất vịnh Hạ Long tập trung nhiều hang động nổi tiếng như: động Sửng Sốt, hang Luồn, hồ Động Tiên, hang Trinh Nữ, hang Trống...

Nơi đây có những đỉnh núi cao, vách đá dựng đứng như bức tường thành, núi liền núi, vẽ lên mặt biển xanh một bức tranh thuỷ mặc khổng lồ tuyệt mỹ.

Người Pháp gọi đảo này là đảo Les surprises (đảo Sửng Sốt). Trên đảo là nơi sinh sống của rất nhiều loài thực vật như si, vạn tuế, phong lan... Động vật có khỉ, hươu, sơn dương... Nhưng có lẽ đảo Bồ Hòn được nhiều người biết đến chính là hệ thống hang động ẩn chứa trong mình, mỗi hang mang một vẻ đẹp kì diệu riêng, đồng thời gắn liền với những câu chuyện truyền thuyết rất cảm động.

Đảo và rừng nguyên sinh Ba Mùn

Đảo và rừng nguyên sinh Ba Mùn Đảo Ba Mùn là đảo phiến thạch thuộc địa phận xã Minh Châu huyện Vân Đồn, nằm song song với đảo Quan Lạn, cách Quan Lạn bằng Cửa Đối về hướng đông bắc. Đảo còn có tên gọi khác là đảo Cao Lô.

Đảo Ba Mùn cách bờ khoảng 15 km, đảo có diện tích khoảng 1800 ha với chiều dài hơn 20 km, chiều ngang hẹp, chạy dài theo hướng đông tây. Ngọn núi cao nhất là núi Quít, đỉnh cao 397 m. Hệ động thực vật trên đảo rất phong phú và có nhiều loài quí hiếm.

Đảo Ba Mùn là đảo phiến thạch duy nhất có rừng nguyên sinh của vịnh Hạ Long. Trên đảo có vô vàn các loài thực vật quý hiếm như đinh, lim, sến, táu, vàng hương cùng nhiều loài cây cổ thụ khác, có những cây to ba bốn người ôm không xuể.

Đảo Ba Mùn là nơi còn bảo tồn được nhiều loài động vật quý hiếm như sơn dương, hươu, nai, khỉ, voọc cùng các loài chim biển, chim di cư... Ngày 24-1-1997 rừng Ba Mùn đã được công nhận là rừng quốc gia Bái Tử Long.

(Còn tiếp)

Theo Halong.com

Chi tiết

Xuất xứ tên gọi Hạ Long

Từ trước thế kỷ thứ XIX, tên vịnh Hạ Long chưa được ghi chép trong những thư tịch cổ nước ta, mà vùng biển này được biết đến với những tên An Bang, Lục Thủy, Vân Đồn... Đến cuối thế kỷ XIX, tên vịnh Hạ Long mới xuất hiện trên các bản đồ hàng hải của Pháp. Trên tờ "Tin tức Hải Phòng" xuất bản bằng tiếng Pháp đã đưa tin: "Rồng xuất hiện trên vịnh Hạ Long". Câu chuyện được tóm tắt như sau: Năm 1898, viên thiếu úy Lagơrêdin, thuyền trưởng tàu Avalăngsơ đã gặp một đôi rắn biển khổng lồ ba lần trên Vịnh Hạ Long. Không chỉ riêng viên thiếu úy mà có rất nhiều thủy thủ khác trên tàu cùng chứng kiến. Người Châu Âu liên tưởng, con vật này giống như con rồng châu Á. Cũng vì sự xuất hiện của con vật kì lạ ấy mà vùng này được gọi là vịnh Hạ Long.

A part of landscape of Ha Long Bay viewed downward
Vịnh Hạ Long

Cũng có một giả thiết khác về tên gọi này, đó là theo một huyền thoại xưa cho rằng tên gọi Hạ Long gắn liền với câu chuyện về đàn rồng xuống giúp dân Việt đánh giặc ngoại xâm. Chuyện kể: "Ngày xưa, khi người Việt mới dựng nước, nhân dân đang sống yên ổn thì bị giặc ngoại bang xâm lấn bờ cõi nước ta. Trước thế giặc mạnh, trời sai rồng mẹ mang theo một đàn rồng con xuống giúp người Việt đánh giặc. Khi thuyền giặc từ biển cả ào ạt tấn công vào bờ thì đàn rồng cũng lập tức hạ giới phun ra vô số châu ngọc. Những châu ngọc ấy thoắt biến thành muôn vàn đảo đá sừng sững, liên kết lại như bức tường thành vững chãi. Thuyền giặc đang lao nhanh bất ngờ bị chặn lại liền đâm vào các đảo đá, xô vào nhau vỡ tan tành. Sau khi giặc tan, thấy cảnh hạ giới thanh bình, cây cối tươi tốt, con người nơi đây lại cần cù, chịu khó, đoàn kết giúp đỡ nhau. Rồng mẹ và rồng con không trở về trời, mà ở lại hạ giới. Chỗ rồng mẹ xuống là Hạ Long, nơi rồng con xuống chầu bên rồng mẹ là Bãi Tử Long. Đuôi của đàn rồng quẫy lên trắng xóa là Long Vỹ (tức bán đảo Trà Cổ ngày nay)."

Như vậy, những giả thiết về tên gọi vịnh Hạ Long vẫn được hiểu theo các truyền thuyết và chuyện kể được lưu truyền trong dân gian. Song qua những chuyện kể dân gian đó, chúng ta lại thêm yêu và tự hào về một di sản thiên nhiên đã được thế giới công nhận.

Theo halongbay

Chi tiết

Vịnh Hạ Long - Những giá trị sinh học đa dạng

Vịnh Hạ Long có địa hình được cấu tạo rất phức tạp, bờ biển khúc khủyu có nhiều cửa sông lớn. Đặc biệt, địa hình nơi đây còn được định hình bởi hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ tạo nên những vũng vịnh biển. Mực nước ổn định hàng năm, đồng thời khí hậu ổn định là những điều kiện thuận lợi cho các hệ sinh thái phát triển. Vì vậy, vịnh Hạ Long là nơi chứa đựng đầy đủ các giá trị về địa chất, địa mạo, văn hóa lịch sử và nhất là đa dạng sinh học.

Theo các nhà khoa học thì đa dạng sinh học luôn được thể hiện ở các cấp độ khác nhau như đa dạng gen, đa dạng loài và đa dạng hệ sinh thái. Trong đó, ở cấp độ sinh thái vịnh Hạ Long có thể chia làm hai hệ sinh thái lớn là: Hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và hệ sinh thái biển ven bờ.

Livisona Halongensis - An endemic plant of Ha Long bay

Đối với hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, được chia ra làm 4 loại chính: Rừng ẩm mưa mùa trên núi đá, dạng cây bụi trên nền khô núi đá, rừng ngập mặn và thực vật ở hang động núi đá. Các nhà khoa học đã xác định được tổng số loài thực vật sống trên các đảo ở Vịnh Hạ Long là trên 1.000 loài. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu của Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) đã phát hiện được 7 loài thực vật đặc hữu chỉ có ở Vịnh Hạ Long là cây riềng, thiên tuế, khổ cử đại tím, cọ, khổ cử đại nhung, móng tai, ngũ gia bì.

Araliaceae in Ha Long.

Đối với hệ sinh thái biển và ven bờ, sự phong phú về đa dạng sinh học càng được thể hiện rõ với 6 dạng sinh thái tiêu biểu. Cụ thể là hệ sinh thái vùng triều và vùng ngập mặn, phân bố tại khu vực Hạ Long và vùng phụ cận với 20 loài thực vật ngập mặn.

Ngoài ra, hệ sinh thái đáy cứng, rạn san hô - một trong những đặc thù của Vịnh Hạ Long - là hệ sinh thái có năng suất sinh thái cao, giúp làm sạch môi trường nước, tập trung ở khu vực Hang Trai, Cống Đỏ, Vạn Giò... Các rạn san hô ở đây thường có cấu trúc kiểu riềm bờ, mặt bằng rạn trong và ngoài. Hiện nay, đã thống kê được Vịnh Hạ Long có 232 loài san hô. Bên cạnh đó còn có hệ sinh thái đáy mềm là dạng hệ sinh thái của quần thể cỏ biển. Cỏ biển ở Hạ Long có 5 loài, có tác dụng chắn sóng và làm sạch nước biển. Đây cũng là nơi cư trú ưa thích của các loài rong biển, giun nhiều tơ, nhuyễn thể, giáp xác

Chirieta hiepii

Đặc biệt, vịnh Hạ Long còn có hệ sinh thái hang động và tùng, áng mà hiếm nơi nào có được. Áng là các hồ chứa nước, nằm giữa các đảo; tùng là vùng nước có một cửa tương đối kín, ít sóng. Hệ thống tùng áng này ăn thông với biển Đông là nơi cư trú , sinh sống và phát triển của vô số loài sinh vật và thực vật như cỏ biển, rong, tảo, cá tôm,...

Cuối cùng, phải kể tới là hệ sinh thái biển bao gồm: thực vật phù du, động vật phù du, động vật đáy biển và động vật tự du. Tới nay, các nhà khoa học đã thống kê được vịnh Hạ Long có khoảng 185 loài thực vật phù du, 140 loài động vật phù du, gần 500 loài động vật đáy và 326 loài động vật tự du (tức tự chủ bơi được trong nước). Tất cả những con số trên là một minh chứng rõ nét về sự đa dạng sinh học của vịnh Hạ Long, một trong những giá trị đặc biệt của vịnh Hạ Long mà hiếm nơi nào trên thế giới có được như vậy

Thanh Nguyên (Tổng hợp)

Chi tiết

Những “cư dân” trong các hang động Hạ Long

Lẽ thông thường, du khách đến tham quan hang động là để ngắm vẻ đẹp kỳ ảo được tạo bởi các nhũ đá với muôn hình thù theo trí tưởng tượng phong phú của mình. Điều đó không có gì lạ. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một nửa, bởi bên cạnh vẻ đẹp kỳ ảo, các hang động trên Vịnh Hạ Long còn chứa đựng rất nhiều bí mật khác. Một trong số đó là sự sống của các sinh vật.

Cho tới thời điểm này, các nhà khoa học đã phát hiện được trên Vịnh Hạ Long 24 hang động, trong đó có một số hang tiêu biểu đã trở thành điểm đến trong các tuyến tham quan như hang Đầu Gỗ, hang Sửng Sốt, động Thiên Cung... Môi trường sống trong các hang động rất ổn định, nhiệt độ ít thay đổi và độ ẩm cao nhưng thường thiếu ánh sáng. Và các nhà khoa học đã phát hiện và chia các loài động vật sống trong hang động làm ba loại chính, căn cứ vào khoảng thời gian chúng sống trong đó.

Cua hang
Cua hang - Một trong những "cư dân" tiêu biểu ở Hồ Động Tiên

Thứ nhất là nhóm những động vật sống tạm thời, có thể tự do di chuyển vào và ra bên ngoài, tiêu biểu là loài dơi. Hầu hết các hang động trên Vịnh Hạ Long đều có dơi sinh sống. Có những hang sâu, tối như hang Hồ Động Tiên, hang Hanh cũng có rất nhiều dơi.

Nhóm thứ hai là những động vật ưa thích hang động nhưng chúng cũng có thể sống ở ngoài hang. Thông thường chúng ẩn trong bóng tối của hang động, khi cần tìm kiếm thức ăn thì chúng mới ra ngoài. Tiêu biểu cho nhóm này là các loài giun đất, bọ hung, dế hang, ếch, kỳ đà và một số loài giáp xác.

Nhóm thứ ba - nhóm khiến các nhà khoa học quan tâm nhất là những "cư dân" của hang động - tức những loài sống hoàn toàn cách biệt với bên ngoài. Đây là những sinh vật sống trong hang thực thụ, trọn cả vòng đời của mình ở trong bóng tối. Trong các hang động trên Vịnh Hạ Long, rệp hang (tên khoa học là Dryadillo) là một trong những "cư dân" phổ biến nhất. Loài rệp này toàn thân có màu trắng sữa, không có mắt, hình dáng trông gần giống với con gián chưa trưởng thành. Kế đó là các loài: cá hang, tôm hang, những loài động vật nhiều chân...

Nhìn chung, hầu hết các "cư dân" hang động này đều có màu trắng hoặc phớt hồng. Chúng hầu như không có sắc tố đậm màu vì chúng không cần được bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời hoặc ngụy trang để trốn tránh những kẻ săn mồi. Rất nhiều loài không có mắt hoặc mắt bị thoái hoá, phát triển kém. Sự khác biệt trên so với các loài khác là bởi đặc điểm của môi trường sống trong bóng tối hang động khắc nghiệt, mọi sinh tồn của các "cư dân" hang động đều hướng về việc kiếm ăn. Những tế bào cảm giác có lợi cho sự sinh tồn sẽ phát triển, những tế bào cảm giác không thực sự cần thiết sẽ bị thoái hoá.

Có dịp đến thăm hang Hồ Động Tiên, du khách sẽ có cơ hội nhìn thấy một số loài sinh vật đặc biệt ấy. Bên cạnh loài rệp hang kể trên còn có những con dế hang, chân và râu chúng rất dài; những con nhện bé gần bằng hạt ngô bám trong các khe của khối nhũ đá. Nếu may mắn, du khách có thể bắt gặp cả những con cá bé bằng đầu đũa ăn cơm, mình trắng phớt hồng. Lại có những con cua màu đỏ như... cua luộc. Khác với các đồng loại bên ngoài, loài cua này có chân dài hơn, đôi mắt bé tý và không nhìn được.

Theo Đại Dương - Báo Quảng Ninh

Chi tiết

Các loài chim ở vịnh Hạ Long

Theo các nhà khoa học, ở Việt Nam hiện có khoảng 850 loài chim trong tổng số hơn 9.000 loài chim có trên thế giới. Trong số đó, khu vực Vịnh Hạ Long và đảo Cát Bà có khoảng 100 loài chim (có 60 loài thường gặp) thuộc khoảng 23 họ, sinh sống ở các dạng sinh cảnh khác nhau.

Ở dạng sinh cảnh rừng trên núi đá thường gặp các loài: Cao cát bụng trắng, Cắt lưng hung, Cắt lớn, Chào mào, Bông lau họng vạch; sinh cảnh núi đá thường gặp Hoét đá, Cò đen, Quạ; sinh cảnh biển và ven bờ thường gặp Choắt nhỏ, Choi choi khoang cổ, Mòng biển, ó đá, Diệc xám, Diều hâu; sinh cảnh hang động và tùng, áng thường gặp Yến hông trắng, Bồng chanh, Nhạn bụng xám... Tuỳ theo đặc điểm sinh trưởng, có loài chim chuyên ăn thịt, loài ăn hạt và quả, có loài ăn cá, loài ăn côn trùng và có loài ăn tạp. Hầu hết các loài chim làm tổ, đẻ trứng và ấp trứng. Mùa sinh sản của chúng thường kéo dài từ mùa xuân tới mùa thu. Đa số các loài chim chỉ ghép đôi vào mùa sinh sản. Nhiều loài chim ghép đôi một đực, một cái, song cũng có loài một con đực ghép với nhiều con cái. Chim non nở ra được chim bố mẹ chăm sóc cho tới khi có thể tự kiếm ăn được...

Đảo Cống Đỏ - nơi tập trung nhiều loại chim ở Hạ Long

Đảo Cống Đỏ - nơi tập trung nhiều loại chim ở Hạ Long

Theo quan sát, nghiên cứu của các nhà khoa học thì trong các loài chim thường gặp ở Vịnh Hạ Long, bên cạnh sự phân bố phổ biến còn có những loài chỉ thấy ở một số khu vực nhất định là nơi yêu thích và có điều kiện sống phù hợp với chúng. Như loài Cao cát bụng trắng chỉ thấy ở khu vực đảo Cống Đỏ, hòn Nất, hòn Lưỡi Liềm, hòn Phơi Lưới và hòn Sao Chổi; loài Choắt nhỏ phân bố ở tây và nam Vịnh Hạ Long; loài ó cá chỉ gặp ở đảo Cống Đỏ và phía nam Vịnh Hạ Long; loài Cò xanh chỉ thấy ở phía đông và tây của Vịnh Hạ Long; loài Chích phương Bắc thấy ở đảo Bái Đông. Có loài như Yến hông trắng chỉ có thể gặp ở Vịnh Hạ Long vào các buổi chiều tối mùa đông; loài Mòng biển đầu đen chỉ gặp ở phía tây Vịnh Hạ Long, cảng Hòn Gai vào lúc sáng sớm...

Để quan sát được chim ngoài thiên nhiên, người quan sát cần có các thiết bị như ống nhòm (để quan sát các đặc điểm hình thái ngoài), máy ghi âm (để ghi lại tiếng hót), máy ảnh (chụp ảnh các hoạt động sinh học, sinh thái trong quá trình quan sát), ảnh và sách (để so sánh và nhận dạng). Thời gian quan sát chim tốt nhất trong ngày là vào buổi sáng sớm và chiều tối. Đây là lúc chim hoạt động mạnh nhất. Một số địa điểm trên Vịnh Hạ Long có thể quan sát chim thuận lợi, đó là đảo Đầu Gỗ, hòn Cát Lán thuộc tuyến du lịch Cảng tàu - Sửng Sốt - Mê Cung - Hồ Ba Hầm, hòn Hang Chạm, đảo Cống Đỏ, đảo Hang Trai thuộc tuyến du lịch Sửng Sốt - Cửa Vạn - Ba Trái Đào, hòn Bái Đông, khu vực hồ Ba Hầm... Tìm hiểu về các loài chim, du khách sẽ có những khám phá thú vị; chẳng hạn những loài chim có dạng mỏ to, khoẻ, ắt là loài chim thích ăn quả, chim có mỏ dài và nhọn là loài chim thích ăn cá; chim có mỏ khoằm xuống, rất sắc, là loài chim thích ăn thịt; chim có mỏ dài, cong là loài chim thích hút mật hoa...

Đi giữa Hạ Long yên bình, ngắm trời mây, non nước và các đảo đá chợt nghe tiếng chim hót; bên bờ đá, một chú Bồng chanh màu lông xanh biếc da trời đang chăm chú rình mồi; bất chợt, từ phía sau dãy đảo đá trước mặt hiện ra một đàn cò trắng phau vỗ cánh bay ra... Hình ảnh ấy, âm thanh ấy hẳn sẽ đem lại cho du khách những giây phút thư giãn sảng khoái và khó quên.

Theo Báo Quảng Ninh

Chi tiết
 
du lich viet nam | by TNB ©2010