Lẽ thông thường, du khách đến tham quan hang động là để ngắm vẻ đẹp kỳ ảo được tạo bởi các nhũ đá với muôn hình thù theo trí tưởng tượng phong phú của mình. Điều đó không có gì lạ. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một nửa, bởi bên cạnh vẻ đẹp kỳ ảo, các hang động trên Vịnh Hạ Long còn chứa đựng rất nhiều bí mật khác. Một trong số đó là sự sống của các sinh vật.
Cho tới thời điểm này, các nhà khoa học đã phát hiện được trên Vịnh Hạ Long 24 hang động, trong đó có một số hang tiêu biểu đã trở thành điểm đến trong các tuyến tham quan như hang Đầu Gỗ, hang Sửng Sốt, động Thiên Cung... Môi trường sống trong các hang động rất ổn định, nhiệt độ ít thay đổi và độ ẩm cao nhưng thường thiếu ánh sáng. Và các nhà khoa học đã phát hiện và chia các loài động vật sống trong hang động làm ba loại chính, căn cứ vào khoảng thời gian chúng sống trong đó.
Cua hang - Một trong những "cư dân" tiêu biểu ở Hồ Động Tiên |
Thứ nhất là nhóm những động vật sống tạm thời, có thể tự do di chuyển vào và ra bên ngoài, tiêu biểu là loài dơi. Hầu hết các hang động trên Vịnh Hạ Long đều có dơi sinh sống. Có những hang sâu, tối như hang Hồ Động Tiên, hang Hanh cũng có rất nhiều dơi.
Nhóm thứ hai là những động vật ưa thích hang động nhưng chúng cũng có thể sống ở ngoài hang. Thông thường chúng ẩn trong bóng tối của hang động, khi cần tìm kiếm thức ăn thì chúng mới ra ngoài. Tiêu biểu cho nhóm này là các loài giun đất, bọ hung, dế hang, ếch, kỳ đà và một số loài giáp xác.
Nhóm thứ ba - nhóm khiến các nhà khoa học quan tâm nhất là những "cư dân" của hang động - tức những loài sống hoàn toàn cách biệt với bên ngoài. Đây là những sinh vật sống trong hang thực thụ, trọn cả vòng đời của mình ở trong bóng tối. Trong các hang động trên Vịnh Hạ Long, rệp hang (tên khoa học là Dryadillo) là một trong những "cư dân" phổ biến nhất. Loài rệp này toàn thân có màu trắng sữa, không có mắt, hình dáng trông gần giống với con gián chưa trưởng thành. Kế đó là các loài: cá hang, tôm hang, những loài động vật nhiều chân...
Nhìn chung, hầu hết các "cư dân" hang động này đều có màu trắng hoặc phớt hồng. Chúng hầu như không có sắc tố đậm màu vì chúng không cần được bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời hoặc ngụy trang để trốn tránh những kẻ săn mồi. Rất nhiều loài không có mắt hoặc mắt bị thoái hoá, phát triển kém. Sự khác biệt trên so với các loài khác là bởi đặc điểm của môi trường sống trong bóng tối hang động khắc nghiệt, mọi sinh tồn của các "cư dân" hang động đều hướng về việc kiếm ăn. Những tế bào cảm giác có lợi cho sự sinh tồn sẽ phát triển, những tế bào cảm giác không thực sự cần thiết sẽ bị thoái hoá.
Có dịp đến thăm hang Hồ Động Tiên, du khách sẽ có cơ hội nhìn thấy một số loài sinh vật đặc biệt ấy. Bên cạnh loài rệp hang kể trên còn có những con dế hang, chân và râu chúng rất dài; những con nhện bé gần bằng hạt ngô bám trong các khe của khối nhũ đá. Nếu may mắn, du khách có thể bắt gặp cả những con cá bé bằng đầu đũa ăn cơm, mình trắng phớt hồng. Lại có những con cua màu đỏ như... cua luộc. Khác với các đồng loại bên ngoài, loài cua này có chân dài hơn, đôi mắt bé tý và không nhìn được.
Theo Đại Dương - Báo Quảng Ninh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét